Để đẩy mạnh phát triển du lịch xanh, các giải pháp cần tập trung thực hiện gồm:
Một là, chú trọng tới hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, quy định quản lý về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh; ban hành các văn bản pháp quy cụ thể và hướng dẫn triển khai thực hiện phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh ở cả cấp trung ương và địa phương.
Sớm nghiên cứu, xây dựng và ban hành các mô hình, quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí về phát triển du lịch theo hướng này phải áp dụng trên phạm vi cấp ngành, vùng, địa phương và cho từng khu, điểm du lịch cụ thể…
Hai là, giáo dục, phố biến chính sách phát triển du lịch xanh. Cụ thể là: (i) Tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch xanh cho tất cả các thành phần tham gia vào hoạt động du lịch, chẳng hạn như: Các nhà quản lý các cấp, các nhà quản trị doanh nghiệp, cộng đồng làm du lịch và du khách. Đồng thời, nâng cao nhận thức nhà quản lý về du lịch, doanh nghiệp và cộng đồng về tăng trưởng xanh, kinh tế xanh; phát triển xanh trong phát triển cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch, cũng như các dịch vụ du lịch ứng dụng năng lượng xanh, giao thông xanh, tiêu dùng xanh; (ii) nâng cao vai trò nhận thức bảo vệ môi trường du lịch; (iii) liên kết với các đơn vị truyền thông chuyên nghiệp về lĩnh vực du lịch để đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền bảo vệ môi trường, phát triển du lịch xanh cho cộng đồng làm du lịch và du khách.
Các cấp chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân cùng chung tay, tạo dựng môi trường xanh cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch bằng những hành động thật thiết thực, xuất phát từ những hành vi nhỏ nhất, nhưng có trách nhiệm lớn nhất đối với cộng đồng và xã hội.
Ba là, tiếp tục mở rộng, phát triển các ý tưởng và tham gia tích cực vào các hoạt động của Công ước quốc tế về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng nền kinh tế xanh.
Phối hợp với UNESCO để làm tốt hơn công tác bảo tồn, phát huy, quảng bá nền văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Tiếp cận nhanh những kiến thức xanh và công nghệ sạch của thế giới, của các nước có nền du lịch xanh phát triển, từ đó vận dụng vào phát triển du lịch xanh Việt Nam.
Ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào việc quản lý phát triển du lịch xanh.
Bốn là: Nâng cao chất lượng các sản phẩm và dịch vụ du lịch.
Theo đó, hệ thống sản phẩm chất lượng, đặc sắc, đa dạng và đồng bộ, có giá trị tăng cao cần được xây dựng, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của du khách; phát triển sản phẩm du lịch xanh, tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hoá địa phương.
Quy hoạch, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch dựa vào thế mạnh nổi trội và hấp dẫn về tài nguyên du lịch; tập trung ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch văn hoá và sinh thái; từng bước hình thành hệ thống khu, tuyến, điểm du lịch của quốc gia, của địa phương và các đô thị du lịch.
Phát huy thế mạnh và tăng cường liên kết giữa các vùng, miền, địa phương hướng tới hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng theo các vùng du lịch phù hợp với các điều kiện tự nhiên cũng như nguồn lực của các địa phương.
Năm là: Phát triển du lịch xanh phải có sự tham gia của người dân, dân trực tiếp làm và dân được thụ hưởng để đảm bảo tính bền vững trong phát triển du lịch. Đây là nền tảng của phát triển du lịch bền vững, phải có sự tham gia trực tiếp của người dân để nâng cao được ý thức bảo tồn gắn với trách nhiệm tại địa phương.